fbpx

Phong cách

Đông Dương

Kiến trúc Đông Dương, còn được biết đến với cái tên kiến trúc Thuộc Địa hay Indochine. Là một phong cách độc đáo và riêng biệt được phát triển trên đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu của bán đảo Đông Dương và đặc biệt tại Việt Nam.

Có thể nói đây là phong cách kiến trúc đặc hữu phù hợp nhất mang bản sắc đất nước Việt Nam, là sự giao thoa hòa quyện giữa nét truyền thống Á Đông và sự lãng mạn, tinh tế của người Pháp.

Lịch sử

Hình thành & Phát triển

Bắt đầu từ cuối thế kỷ XIX và kéo dài đến giữa thế kỷ XX tại 3 nước thuộc địa Đông Nam Á là Việt Nam, Lào và Campuchia. Được phát triển bởi các kiến trúc sư rất tài năng đến từ Pháp, những người đã đóng góp lớn cho nền kiến trúc Pháp thời bấy giờ.

Người Pháp muốn xây dựng các công trình lớn và tầm cỡ nhưng được tùy biến phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và các vật liệu sẵn có nơi đây. Họ đưa các kiến trúc sư lớn đến cùng với người Việt Nam sáng tạo và phát triển một đường lối kiến trúc rất đặc biệt mà cho đến ngày nay vẫn được coi là thể hiện tốt nét văn hóa kết hợp Đông và Tây.

Các công trình tiêu biểu của phong cách này có thể kể đến như: Đại Học Đông Dương (Hà Nội); bưu điện trung tâm Sài Gòn (Tp Hồ Chí Minh); khách sạn Hotel de la Coupole – Mgallery (Sapa

Đặc điểm

Kiến trúc Đông Dương

Mang yếu tố tự nhiên: Có lẽ nhiều người trong chúng ta đã quen với những tòa nhà được xây từ thời Pháp thuộc với cửa sổ chớp màu xanh, mảng tường vàng rong rêu bên cạnh khoảng sân gạch đầy nắng. Việc kết hợp ánh sáng tự nhiên trong thiết kế mang lại cảm xúc dịu dàng và bình yên trong từng hơi thở của không gian. Các vật liệu được sử dụng trong kiến trúc Đông Dương cũng rất tự nhiên, gần gũi với con người Việt Nam.

Cổ điển: Một trong những ngôn ngữ phối hợp chính tạo nên phong cách Indochine là ngoại thất cổ điển của các công trình Pháp. Giữ lại những đường nét mềm mại, uốn lượn của các tòa lâu đài châu Âu kết hợp với những màu sắc đặc trưng của Á Đông. Phần còn lại là nội thất được lấy cảm hứng từ những gì được xem là tinh túy nhất của kiến trúc Việt Nam thế kỷ trước. Sự kết hợp này nhìn từ con mắt hiện đại được xem là cổ kính, sang trọng và không kém phần lãng mạn.

Trang nhã: Toàn quyền Đông Dương thời bấy giờ là Paul Doumer (người sau này đã trở thành tổng thống Pháp) đặt dinh thự của mình ở Hà Nội. Đây là nền tảng cho các kiến trúc sư tiếp thu sự thanh lịch, trang nhã của người Hà Nội xưa vào trong những đường nét thiết kế Đông Dương. Tạo cho không gian một chất cảm nhẹ nhàng, yên tĩnh.

Nguyên tắc - hình khối – đường nét

Mang nền tảng cổ điển, phong cách Đông Dương cần đảm bảo sự cân xứng, đăng đối trong bố cục thiết kế. Các đường nét mềm mại được nhắc lại tạo nên bản sắc riêng được áp dụng nhiều (như các cột, vòm cung và khe nan chớp)

Để phù hợp với khí hậu nhiệt đới (gió mùa), các công trình Indochine thường sử dụng một hành lang tạo liên kết giao thông, cũng là một bộ lọc chống nóng, chống mưa và dẫn hướng gió. Kết cấu đặc trưng của ngôn ngữ này thường sử dụng trần cao, cửa sổ lớn cho phép tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên.

Màu sắc

Trong quá trình phát triển của mình, kiến trúc Đông Dương đã được sáng tạo và áp dụng nhiều màu sắc khác nhau qua từng thời kỳ và theo ý thích của từng gia chủ. Tuy vậy một số nguyên tắc phối màu vẫn được lưu lại cho đến ngày nay.

· Nội thất màu gỗ sậm: Màu nâu đậm của café được áp dụng khá phổ biến trong nội thất Indochine, các màu được ưa thích nhất là của gỗ Óc Chó và gỗ Mun.

· Tường màu trắng – kem: Tone màu sáng của những mảng tường lớn được xê dịch theo hướng nhẹ nhàng, dịu mắt hơn trải từ màu kem, be đến hơi vàng.

· Các màu pastel: Để thể hiện cá tính của người sử dụng, các kiến trúc sư sẽ lựa chọn kết hợp những tone màu duyên dáng như xanh pastel hoặc cam nhạt để tạo điểm nhấn phối màu cho không gian

Décor

Đồ décor trong ngôn ngữ Indochine là một trong những điểm nhấn thú vị nhất trong câu chuyện. Người ta thường đặt những tác phẩm nghệ thuật đầy tinh tế mang nguồn gốc địa phương (như những bức tranh nổi tiếng của Tô Ngọc Vân hay Bùi Xuân Phái). Ngoài ra những mảng gạch bông, những chậu cây xanh hay những đồ mỹ nghệ hoài cổ cũng góp phần tạo nên hơi thở Đông Dương thực thụ.

Vật liệu

Nền tảng vật liệu của phong cách Thuộc Địa đương nhiên gần gũi với người dân bản xứ thời thuộc địa. Kết cấu tạo nên bởi bê tông, thép hay gạch xây cơ bản. Các bộ cửa trong kính ngoài chớp đượp áp đặt tối đa. Phần nội thất cấu thành gần như hoàn toàn bởi gỗ tự nhiên với các đường nét chạm trổ, hoa văn.

Kinh nghiệm & lời khuyên

Ấn tượng, chiều sâu thẩm mỹ

Phong cách Đông Dương là một trong số ít những ngôn ngữ thiết kế mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của Việt Nam. Có thể nói thiết kế Indochine thật sự ấn tượng và nghệ thuật. Nó thuộc về những người chủ đứng tuổi hoặc có chiều sâu về thẩm mỹ

Phong cách Indochine phù hợp với những nơi ít xô bồ, náo nhiệt, thiên nhiều về sự bình lặng, nghỉ dưỡng. Ví dụ như các resort, spa, hay các căn nhà bình yên tách biệt khỏi phố phường.

Ngày nay, phong cách này được biến tấu sáng tạo khá nhiều, mang lại những nét tươi mới, mát mẻ cho không gian. Và đặc biệt có thể tận hưởng nét hoài cổ một cách tiện nghi, đơn giản hơn so với những quy tắc cũ. Tuy vậy quý khách nên lựa chọn một đơn vị thiết kế uy tín cho công trình của mình để đem lại hiệu quả cao nhất.